Phan Hồn Nhiên
Một ……
Bước dọc theo đường dẫn như đoạn ruột khổng lồ bằng kim loại, tôi xuống ga đến rộng lớn . Chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp chỉ 9 giờ sáng. Từ Việt Nam , máy bay đã khởi hành cũng đúng vào giờ này. Sự trùng hợp tình cờ mang đến cảm giác buồn bã lạ lùng . Hệt như chưa từng xảy ra cuộc chia tay bối rối với những người thân . Hệt như chưa từng có năm tiếng đồng hồ ngồi im trong khoang hành khách lạnh lẽo , bay xuyên các múi giờ trải rộng trên Thái Bình Dương xanh thắm .Chỉ là một thay đổi đơn giản về mặt không gian , chẳng có gì trầm trọng với một người thường xuyên dịch chuyển . Tuy nhiên linh cảm lo âu mơ hồ thoáng qua . Tại quầy thủ tục nhập cảnh , nữ nhân viên hải quan ngẩng lên . Đôi mắt xanh thẫm phản chiếu tia sáng công vụ vô cảm.
– Mục đích đến đây? – Cuộc kiểm tra đột xuất trên cung giọng khô cứng.
– Tôi đi học. Học bổng NGO.
– Cô bao nhiêu tuổi?
– Giữa tháng tám này, tôi sẽ đúng 22! – Để tránh các rắc rối không đáng có, tôi biết, cần trả lời nhanh, không chần chừ .
– Cô ở lại đây trong bao lâu? Có dự định kéo dài thời gian lưu trú?
– Tôi muốn về ngay, sau khi kết thúc khóa học chín tháng.
Đưa lại hộ chiếu cho tôi, ánh nhìn xanh thép chợt dịu xuống, mềm mại:
– Chào đón cô đến đất nước của chúng tôi …
Câu nói công thức. Nhưng vào thời điểm đó, đột nhiên nó chứa đựng sự an ủi dễ chịu. Chiếc valise da nhỏ lăn theo tôi, không một tiếng động. Vài người Việt cùng chuyến bay với tôi có người ra đón. Một chàng trai dang rộng cánh tay. Một cô gái cười vang, chạy đến. Trong sự tiếp xúc hân hoan, nếp váy thoáng bay lên để lộ đôi chân trắng và nhỏ. Hình ảnh thoáng qua, không đáng giá, nhưng tô đậm cảm giác cô độc. Tôi nhìn đồng hồ, nửa tiếng trôi qua. Không nên chờ nữa. Tôi tìm phòng chỉ dẫn. Từ sân bay về khu học xá, tốt nhất đi subway, sau đó bắt xa bus. Tôi đổi ít tiền xu lẻ ở máy đổi tiền. Một thanh niên đứng phía sau. Gã ta bất thần lên tiếng, khiến tôi giật mình: ” Tôi cũng về viện thiết kế Raffles.” Có lẽ gã ta nhìn thấy bìa Catalog học viện tôi cầm trên tay. Thoáng qua, gã ta có vẻ ngoài của dân Đông Á, nước da màu ngà đôi mắt dài, gương mặt nhìn nghiêng mảnh khảnh. Đột nhiên, tôi rất mệt: “Cảm ơn nhưng tôi muốn tự đi!”. Có thể tôi sẽ cần vài mối liên hệ mới. Nhưng không phải lúc này. Gã thanh niên chìa ra namecard, logo viện thiết kế in bên góc. Tên gã đơn giản : Francis Lim. Gã nhe răng cười ” Lẽ ra cô nên theo tôi. Tôi đang học năm cuối ở viện. Tôi làm thêm ở đấy luôn. Chiều qua, một ai đó điện thoại, nhờ tôi đón cô.” Tôi thoáng ngạc nhiên, im lặng. Người của học viện quay lưng bỏ đi. Lưng quần jeans xám xanh tuột xuống xương hông khiến dáng vẻ người mặc nó đượm kỳ quái, trễ nải một cách nhạo báng. Gã sải các bước dài, tài tình lách qua đám đông, không va chạm bất kỳ ai ……
Tôi kéo valise về cổng ga tàu điện ngầm. Dọc đường đi, tôi lấy cái mũ mềm nhỏ, chụp bừa lên đầu. Băng qua đoạn vỉa hè ngắn không mái che, trời mưa tầm tã. Chào đón tôi không phải là Huy, mà là một trận mưa mùa hè. Tôi nghĩ triền miên rằng hai năm qua, Huy cũng giống tôi lúc này. Sau mỗi lần như thế, cậu ấy có thấy mình khác đi, như tôi đang cảm thấy rõ rệt lúc này không? Các ý nghĩ nối tiếp khiến tâm trạng tôi không quá tồi tệ. Tuy nhiên, nó cũng không tươi tắn lên. Giá cuộc sống đừng thay đổi. Giá những mối quan hệ giữ nguyên vẹn, như khi người ta chưa chạm phải sai lầm …
Lại đoạn vỉa hè trải sỏi. Một ô tô màu xanh chạy chầm chậm, gã thanh niên người của học viện thò đầu ra huýt sáo “Mưa to khiếp. Chó mèo chạy hết. Cô lên xe chứ?”. Một lần nữa tôi lắc đầu. Cầu thang xuống subway hiện ra, như miệng quái vật rộng ngoác bất thần nuốt gọn những ai tới gần nó. Tôi khệ nệ xách valise bước xuống. Không, tôi không thuộc hạng người cố chấp. Đơn giản chỉ là tôi muốn được một mình .
Hai …
Tôi mua thẻ subway, loại sử dụng một tháng. Sơ đồ các hướng tàu chạy nhấp nháy trên bảng điện. Tôi lên đường tàu màu da cam, đi về phía Tây thành phố. Hành khách ngồi im, đọc sách, hoặc gà gật, chẳng ai buồn chú ý đến tôi. Tôi lại tự nhủ Huy cũng thế này đây, bận rộn học, vùi đầu trong xưởng vẽ, đi làm thêm. Và tranh thủ mỗi khi có thể … Ban nãy, phần khai báo hải quan, tôi mới nói thật một nửa. Khuất sau mục đích học, tôi bay sang đây gặp Huy . Bốn tháng trước, tôi nhận được e-mail từ cậu ấy, vỏn vẹn 3 chữ SOS. Tất cả email tôi gửi đi sau đó đều không có hồi đáp. Tôi lo sợ gần như phát điên Huy đột nhiên trở nên quan trọng khủng khiếp. Vào thời điểm khó khăn ấy, tôi vội vã tham dự vài đợt phỏng vấn tìm học bổng du học ngắn hạn. Trước chuyến bay, tôi viết cho Huy một email dài. Cậu kêu cứu. Và tôi đã đến. Tôi cũng muốn nói với Huy rằng cảm xúc trong tôi đã thay dổi. Khôg thể tìm ai tốt hơn cậu ấy, lẽ ra tôi nghĩ đến điều này sớm hơn. Lẽ ra tôi phải hiểu mình yêu cậu ấy từ hồi bé thơ. Hơi muộn. Nhưng giờ đây, tôi mang đến cho cậu. Miễn cậu bình an. Cái email được viết với tất cả hy vọng.Huy đọc nó không? Sao cậu ấy không đến đón tôi ???
Rời subway, bước lên mặt đường. Tôi lên tiếp xa bus, tựa trán vào ô kính còn mát lạnh nước mưa. Những ngôi nhà thưa thớt. Những hàng rào gỗ bám đầy dây leo, các nụ hoa cuộn chặt, như lũ côn trùng phát ra ánh sáng huyền hoặc. Thời bé, tôi và Huy đã bao nhiêu lần trèo qua các tường rào, thọc tay vào đất mùn, chạm vào những con giun nhanh nhẹn, đầy thích thú và sợ hãi? Lớn lên một chút, đã bao nhiêu lần cậu ấy cầm chặt ngón tay tôi, nhìn sâu vào mắt , ánh nhìn nâu rất đỗi dịu dàng, còn tôi khoái trá trợn mắt lên, thè lưỡi chế nhạo? Khi tôi vào học thiết kế, Huy đã học Mỹ Thuật. Cậu hơi khép kín. Một vẻ trầm tĩnh đáng chán ở tuổi 20. Thi thoảng, chúng tôi ngồi cafe gần trường kiến trúc nơi tôi học. Các vòm cây rộng trên vỉa hè, không rõ tên, luôn bám đầy nước mưa nên tôi và Huy gọi là cây mưa. Đếm đi đếm lại, luôn là 12 cây. Tôi nói hàng giờ, cười phá lên với các ý nghĩ hài hước. Đôi khi tôi dừng lại, mở to mắt. Huy vặn vẹo bàn tay bồn chồn. Cậu ấy sắp sửa nói ra điều gì đó, có lẽ rất quan trọng. Nhưng rồi Huy chỉ nhìn tôi, buồn rầu. Người ta có gắn bó vì biết rõ nhau từ thời thơ bé ư? Ý nghĩ về Tình Yêu khi ấy khiến tôi khó chịu. Rất may, các lo âu đó chưa kịp xảy ra .
Mùa đông năm trước, tôi hào hứng tập đan len. Rốt cuộc, tôi chỉ đan được hai chiếc mũ kiểu con gái. Tôi đưa một chiếc cho Huy. Cái mũ Skinhead lật vành trước trán khiến gương mặt Huy đượm mềm yếu. Cậu ấy yêu quý chiếc mũ đặc biệt. Cho đến khi kiếm được học bổng nghiên cứu Mỹ Thuật đương đại hai năm, cậu ấy không rời cái mũ.Trước ngày Huy đi, cả hai ngồi quán quen, im lặng nhìn con đường nhỏ. Bên kia đường, ngôi biệt thự xưa cũ có cửa sổ áp mái. Một con mèo xám cuộn tròn nhìn ra ngoài .Huy bỗng nói ” Mình giống con mèo kia, luôn luôn tìm thấy sự an toàn và ấm áp. Nhưng đã đến lúc bắt đầu một chặng sống khác. Mình sợ hãi. Sợ ghê lắm, An ạ!” .. Huy cần tôi. Nhưng tôi chưa biết rõ mình cần cậu ấy hay không. Huy bay đi cuối mùa đông. Các email ban đầu thông báo mọi ổn thỏa. Tuy nhiên, giữa các câu chữ, tôi không thể đoán được cậu vui hay buồn . Hệt như Huy kéo sụp vành mũ skinhead xuống, không cho tôi nhìn vào bên trong suy nghĩ nữa. Tôi ở Việt Nam, đi học bình thường. Vài anh chàng quen biết. Nhưng thật không sao hiểu nổi, luôn có Huy xen vào giữa tôi và họ ….
Ba…
Tôi bước vào khu vực học viện thiết kế: Chào!, gương mặt Francis hiện ra sau cửa phòng quản lý sinh viên, với nụ cười rộng ngoác kỳ quặc. Tôi hoàn tất thủ tục nhập học mau chóng, với sự giúp đỡ tận tình pha chút chế giễu của Francis. Sau đó, gã ta giúp tôi ôm sách vở và kéo valise về campus. Như một thổ dân, gã huýt lên ầm ĩ khi nhận ra tên riêng của tôi thật dễ phát âm. Tòa nhà ba tầng hơi cũ, nhìn xuống lối đi hẹp đầy cỏ. Phía sau là vạt rừng. Phòng tôi tầng trên cùng. Phòng nhỏ, nhưng bàn thiết kế khổng lồ, hệ thống chiếu sáng của dân chuyên nghiệp. Cả một mảng tường là cửa sổ. Tôi đứng bên khung cửa, nhìn xuống sân Francis nhảy qua các phiến gạch đặt trong cỏ, điệu bộ kỳ dị. Bất chợt, vang lên tiếng huýt sáo chói tai. Francis đang úp cả hai tay lên miệng. Cửa sổ xung quanh bật mở, vài cái đầu thò ra, càu nhàu nguyền rủa. Gã làm bộ mặt sứt môi bi thảm, toét miệng cười với tôi. Khi tôi còn chết khiếp vì kinh ngạc, gã đi thẳng, hai tay vung vẩy như một thứ chất lỏng chết tiệt dính vào.
Tôi nhập học đã hơn một tháng. Tập trung vào việc học tạm tách tôi ra khỏi những suy nghĩ buồn rầu. Tuần lễ đầu, tôi điện thoại cho Huy suốt. Một giọng nói khó chịu cho biết cậu ấy đã chuyển đi, không để lại địa chỉ mới. Có chút gì đó không đáng tin trong sự khó chịu ấy. Tại trường Mỹ Thuật nơi Huy đang học, các xưởng vẽ trống trơn vì đang kỳ nghỉ. Chủ nhật nọ, tôi mất nửa giờ đi xe bus tìm đến địa chỉ trước kia Huy sống . Khác với hình dung của tôi về căn nhà giản dị cho sinh viên thuê trọ học, đó là ngôi biệt thự đẹp đẽ, với vệt cỏ thẫm xanh một cách kỳ quặc, các khung cửa sơn trắng và lắp kính mờ đục. Tôi bấm chuông, giữ vẻ mặt điềm tĩnh, nhìn thẳng vào camera an ninh. Khá lâu, mới có người ta mở cửa. Một người đàn ông trẻ tóc xoăn nâu, đôi mắt xám phủ làn khói ẩm ướt. Nghe hỏi về Huy, anh ta nhún vai, nói thứ tiếng Anh kỳ lạ với các nguyên âm bị tán mỏng và uốn cong: Đáng tiếc, cậu ấy đã chuyển đi tháng trước.” . Che giấu thất vọng, tôi gặng hỏi: ” Có cách nào tìm ra Huy không?”. Lắc đầu, đôi mắt màu tro nheo lại, hơi chế giễu. Tôi vớt vát: ” Nếu Cậu ấy điện thoại hay ghé qua, hãy làm ơn nhắn hộ có bạn gái từ Việt Nam sang. Vì cậu ấy đã cầu cứu!”. Vẻ thờ ơ lạnh nhạt của người đối diện đột nhiên chuyển thành sự tò mò mạnh mẽ: “Bạn gái? Cầu cứu gì chứ?” . Nỗi sợ hãi vô cớ thoáng qua, lạnh toát. Tôi lắp bắp: “Tôi không biết, đó là lý do mà tôi đã sang đây và cố gắng liên hệ với Huy”. Người tóc nâu ấy ném lên tôi ánh nhìn bực dọc, quay lưng đi thẳng. Tôi bước nặng trĩu lên trạm xa bus. Có một lúc tôi cảm giác bị theo dõi. Tôi quay ngoắt lại. Trên ngôi cửa kính áp mái của ngôi biệt thự trắng, bóng người như một con mèo khổng lồ khoanh tay, dõi theo tôi. Huy??? Tôi lại lao trở lại cánh cổng. Bóng người biến mất. Không, tôi ảo giác rồi. Tôi đứng dưới một cây mưa. Ngoài vài chiếc xa chạy vút qua, đoạn đường ngoại ô vô cùng vắng vẻ. Lúc ấy, tôi muốn khóc khủng khiếp .
Bốn ……
Bàn vẽ phòng tôi hỏng hệ thống đèn chiều. Mà tôi cần hoàn tất gấp rút một bài tập quan trọng trước kỳ nghỉ lễ. Thợ điện của Campus mới nghỉ phép. Tôi tự sửa vậy. Khi tôi tới phòng sinh viên, Francis Lim khăng khăng không cho tôi mượn dụng cụ sửa điện. Tôi nhìn thẳng vào mắt gã:
– Thật sự là tôi cần gấp! Chẳng có lý do gì để Anh từ chối cả? Đúng không ?
– Chẳng có gì đảm bảo cô không làm cháy béng hệ thống điện campus.
Tôi bỏ đi. Chỉ có điên mới van nài hay tranh cãi với một kẻ thiếu thiện chí. Suốt buổi chiều, tôi căng mắt, điều chỉnh bàn vẽ trên cái bàn tối om. Khoảng 7 giờ tối thì có tiễng gõ cửa. Francis. Tôi chưa đóng sấm cửa thì gã đã len vào kịp. Vung vẩy hộp dụng cụ sửa điện trước mũi tôi, gã làm ra vẻ hối hận: “Đáng lẽ tôi đến sửa bàn cho cô sớm hơn, nhưng có một anh bạn cần đến tôi gấp. Mà này, anh ta cũng là người Việt, giống như cô…” Và chẳng để tôi kịp mở miệng, gã xắn tay áo, bắt đầu sửa chữa. Chớp nhoáng, hệ thống đèn dưới mặt bàn sáng trưng trở lại. Tôi lí nhí cảm ơn. Francis cau mày: ” Cô có biết thợ sửa điện thường bị khát nước không?”. Tôi miễn cưỡng đưa hộp nước trái cây cuối cùng trong tủ lạnh. ” Nước táo ép à? Thứ tôi khoái nhất đấy!” -Gã ta reo vui như thằng nhóc. Ngồi vắt vẻo trên cửa sổ, Francis đung đưa đôi chân dài xỏ dôi Converse dính đầy bùn, bắt đầu tung ra các câu hỏi về ngôi nhà, trường học, cuộc sống của tôi hồi còn ở trong nước. Tôi trả lời nhát gừng. Khi gã táo tợn hỏi sang các mối tình đã đi qua, tôi cau có, vặc lại:
– Tôi không ưa bị nhúng mũi vào chuyện riêng tư. Mà này, anh nghĩ rằng đóng vai thợ điên thì có thể thoải mái thảo luận tất cả mọi thứ sao?
– Cô dùng từ thảo luận thật tuyệt! Theo tôi hiểu, trả lời hết thắc mắc của tôi, cô có thể đặt câu hỏi. Tôi trả lời mọi tò mò về tôi. Rất công bằng!
– Tôi chẳng muốn biết gì về anh cả, Francis – tôi nói thành thật.
– Con gái Việt Nam các cô lạ thật đấy. Vô khối nữ sinh viên châu Á khác thiện cảm với tôi – Không có tia khoang nào trong mắt gã ta. Rồi nở nụ cười rạng rỡ, gã đề nghị: “Này gà con cô thử tò mò về tôi một tí tẹo đi!”
– Thứ nhất tôi chua ghét bị gọi là Gà Con. Thứ nhì, chẳng có gì liên quan đến tôi trong việc anh được nhiều cô gái khác ưa chuộng. Đó là vấn đề thị hiếu, phải không? Mà Anh thừa biết, trong ngành thiết kế của chúng ta, có vô số kiểu nhìn và đừng hòng áp đặt thị hiếu của anh hay của các cô gái khác ngốc nghếch lên một kẻ khác! – Sau khi tôi tuôn ra tràng dài phẫn nộ , tôi hếch cằm và le lưỡi, một thói quen thật là tai hại .
Francis nhìn tôi chăm chú phá lên cười Tiếng cười vô tư lự của gã khiến tôii thấy mình giống hệt con ngốc. Tôi đành chống trả yếu ớt:
– Đừng cười nữa. Tôi tò mò chút xíu đấy. Anh học khá không?
– Không tệ. Bằng chứng có nhiều sinh viên dự bị tham gia câu lạc bộ mà tôi là thành viên sáng lập. Nếu cô thích, thử ghé qua chơi vào cuối tuần. Hoặc, tôi có thế giúp đỡ nếu cô cảm thấy phải đương đầu với các bài tập quá khó.
– Đừng mơ đến chuyện ấy. Dân Việt Nam tụi tôi học đâu có tệ – Tôi tự ái thật sự – Đã đến giờ tôi phải vẽ bài tiếp rồi. Cảm ơn ah đã sửa cho cái bàn. Tạm biệt!
Francis nhảy xuống khỏi bệ cửa sổ. Tôi vặn tay nắm, mở cửa sẵn sàng . Tôi sẽ đóng sầm cửa lại thật oanh liệt khi gã bước ra. Thế nhưng, ngang qua tôi, Francis bỗng dừng lại nghiêng người. ” Choách”. Một cái hôn đặt lên môi tôi. Nhanh, bất ngờ, đến nỗi tôi đứng im, chết sững. Bóng Francis biến mất ở cầu thang, tôi mới kịp nhận ra gương mặt phảng phất mùi táo thơm dịu. Hệt như một vệt gió mùa hè vừa thổi qua. Ồ, chỉ là dư vị nước táo ép. Có lẽ với người ở đây nụ hôn chẳng hề ghê gớm. Cũng như một cú búng tai châm chọc thôi mà. Dù tự an ủi, tôi vẫn giận điên .
Tôi cặm cụi vẽ bài. Ngẩng đầu lên đã nửa đêm. Mắt tôi khô rát. Tôi mở cửa sổ, đối diện trời khuya, hít thở bầu không khí tươi mát trong trẻo. Một bóng người đổ dài trên thảm cỏ bên dưới, khiến tôi chú ý. Anh ta bất chợt nép vào sau một thân cây. Vẻ thân thuộc trong bóng dáng ấy. Tôi cúi xuống, thì thào: Huy ơi Bóng người đột ngột bước vào vùng đèn sáng cao áp trong giây lát, ngập ngừng, thình lình quay lưng lao vụt đi. Không, tôi không nhầm. Tôi cúi sâu hơn, gọi to: ” Huy …uy….uy. “
Tiếng hét âm oang. Nhưng cậu ấy mau chóng tan vào bóng tối.
Tôi gập người trên cửa sổ rất lâu, hệt như khối đá vô hình đặt lên lưng. Tại sao lại thế nhỉ? Một bí mật khủng khiếp vào vây quanh Huy, và giờ đây, vây quanh tôi ???
Năm …
Mùa thu bắt đầu từ chuỗi mùi vị lạ lùng thổi về từ cánh rừng nhỏ phía sau dãy nhà hình cánh cung. Các sáng thức giấc sớm, tôi khoác vội chiếc ao jacket mỏng, lao xuống bãi cỏ. Một băng ghế sắt sơn màu da cam rất tuyệt, thường bị bỏ trống. Tôi ngồi một mình, co ro chờ mấy tia nắng nhợt nhạt. Gió tán mỏng mùi nhựa cây hăng hắc. Hệt như trời xám hơn, những đám mây ẩm ướt và nặng nề hơn chính là bởi mùi nhựa quái quỷ này. Sau đó sẽ đến hương vị cafe cappuccino. Chắc hẳn bên kia khu rừng nhỏ, có quán Starbuck nào đó quên cài chặt những cánh cửa sổ. Mùi cafe gợi liên tưởng các đôi mắt nâu hạnh phúc, về sự gần gũi ấm áp. Vì thế, tôi cố gắng không nghĩ đến nỗi cô độc.
Các sinh viên say mê thể thao sắp kết thúc chặng đường chạy bộ xuyên rừng. Vài bóng người hiện ra từ trong những thân cây và nhành là xà thấp. Một chiếc áo đỏ cam có mũ lao về phía tôi. Chẳng buồn hỏi han, hắn ta thả người xuống đầu kia băng ghế, hất ra sau lưng cái mũ trùm. Francis Lim với mái tóc lấm tấm sương, gương mặt tái xanh vì lạnh và tiếng khịt mũi liên tục. Một cách thản nhiên, gã nhích gần phía tôi, rút chai nước trong túi áo, bắt đầu tu từng ngum nhỏ. Đôi mắt nheo nheo lấp lánh tia sáng chế nhạo của gã khiến tôi không sao câm nín như đã tự nhủ. Chống khuỷu tay nhọn hoắt bên sườn, tôi cau có lên tiếng :
– Chạy bộ để thở khó nhọc như anh, chẳng bao giờ tôi thèm dậy sớm đâu!
– Sự thật cô đã dậy sớm. Không chạy, nhưng cô ngắm tôi chạy đúng không?
– Anh suy nghĩ hệt như một gã hoang tưởng nhảy bổ ra từ các bức tranh phi lý của Magritte ấy! – Tôi so vai , bối rối và không biết mình đang nói gì. Chà, có Chúa mới biết được là gã ương bướng này sẽ dẫn dắt câu chuyện đến đâu.
– Thôi được. Vậy hãy đưa ra giải thích hợp lý. Không nhớ nụ hôn của tôi, vì lẽ gì cô chịu lạnh ngồi đây chờ tôi?
– Ai chờ anh chứ ? – Hết sức cố gắng, nhưng trán tôi vẫn đỏ rực lên vì phải nói dối – Vả lại tôi chẳng nhớ nụ hôn nào sất!
Lùa những ngón tay mảnh khảnh vào mái tóc đang khô dần, xù lên như một quả bóng, Francis thoáng băn khoăn:
– Nếu tôi hôn cô bây giờ , cô có đồng ý không?
– Bất kể anh đã lịch sự xin phép, tôi vẫn thụi anh ra trò nếu anh làm như thế một lần nữa! – Tôi lùi lại quấn chặt cái jacket quanh người, đầy cảnh giác.
– Không thích thì thôi. Nhưng rõ ràng là cô không thành thật khi bảo không nhớ nụ hôn! – Francis thờ ơ kéo lên trán đôi kính râm to khác thường, xoa nhẹ mi mắt. – Này, điều gì khiến cô luôn ngồi ở đây buổi sáng?
Tôi im lặng. Khoảng rừng trước mặt bỗng nhòa đi, như một tấm bìa xốp và ý nghĩ của tôi bắt đầu vẽ lên đó thành các vệt màu rõ rệt. Khuya hôm ấy Huy đã đứng dưới bãi cỏ này. Rõ ràng, cậu ấy muồn gặp tôi. Nhưng điều gì đó lái chệch cậu đi ra khỏi ý nghĩ ban đầu. Có chuyện bất ổn. Giá mà tôi có thể giúp cậu ấy. Huy chưa từng che dấu tôi điều gì. Cậu ấy đã yêu tôi suốt thời thơ ấu, cho đến bây giờ vẫn vậy. Tôi tin chắc như thế. Gặp lại Huy, tôi sẽ nói thật lòng mình. Chúng tôi đều đã lớn lên. Những suy nghĩ đã thay đổi. Và thay đổi lớn hơn nhất, cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra sự cần thiết của việc gắn bó với một người nào đó. Tình yêu, thoạt tiên chắc cũng giống như một trò chơi vậy. Nhưng dần dần tôi nhận thấy khổ sở nếu sống đơn độc, không thể chia sẻ những khám phá, những ý nghĩ buồn bã hay sướng vui với một tâm hồn gần gũi. Chìm ngập trong chuỗi phát hiện lạ lẫm, càng ngày, Huy càng trở nên quan trọng với tôi. Có lúc, nghĩ về cậu ấy khiến nước mắt tôi chảy xuống. Một điều khiến tôi dễ chịu phần nào là cậu ấy vẫn khỏe, không gặp nguy hiểm như tôi đã hình dung. Và năm học mới bắt đầu, tôi sẽ tìm gặp Huy. Khi đó hẳn dễ dàng hơn …..
Tôi quệt tay, lau những vệt sương ấm đọng trên mặt. Francis đứng dậy, ngồi xuống bên tôi. Gã đưa mẩu khăn giấy, thấp giọng: “An, mỗi khi thấy cô không vui, tôi khó chịu lắm . Nói thật đi, cô gặp khó khăn gì?” Tôi thấm khô đôi mắt, hít một hơi dài, thành thật: “Tôi đang gặp vài khó khăn trong mối quan hệ với bạn trai!” . Francis nhíu mày: “Anh ta ở đây? Tôi có biết không?”. Dẫu sao, Francis vẫn gợi nên sự tin cậy thoáng qua. Tôi nói chậm rãi: “Cậu ấy đang ở thành phố này. Cũng đi học”. Mái tóc xù quả bông lắc mạnh: “Tên?”. “Phạm. Tên thân thiết là Huy. Chúng tôi bên nhau từ ngày rất bé. Tôi không yêu ai khác ngoài cậu ấy” -Tôi nói nhanh. Francis bất động. Gã ngồi im, ngón tay lơ đãng gõ nhẹ trên đầu gối, chừng như chẳng có chút ấn tượng nào với các thông tin tôi vừa tiết lộ .
Mặt trời lên cao. Chiếc đĩa kim loại sáng trắng bay lơ lửng trong không trung. Ánh sáng chạy viền theo lan can các tầng nhà. Làn sương mù bọc kín các vòm cây trong rừng mỏng dần. Cảnh vật hiện ra rõ ràng, gần gũi hơn. Mùi hăng hắc của nhựa cây bị đánh át. Hương vị cafe thơm dịu bay đến dễ dàng. Chừng như có cả mùi bánh mì nướng ấm áp. Tôi cảm thấy đói. Dạ dày tôi hơi quặn thắt, vang lên tiếng sôi réo. Tôi vòng tay quanh bụng, toan bước đi. Nhưng đôi tai thính của Francis đã nghe thấy cái âm thanh chết tiệt. Gã hí hửng ngó tôi, cười toét miệng :
– Cô thích đi dùng điểm tâm với tôi không ?
-Không thích ! – Sự bối rồi đáng ghét lại xâm chiếm tôi .
– Bụng cô sôi sục hệt như cái ấm nước , nghe mới khiếp chứ !-Gã nhận xét.
– Đó là vấn đề cá nhân ! -Tôi giận điên lên . Giá như có thể đá cho gã quái quỷ này một cú vào mông thì tốt biết bao .
– Đừng cáu kỉnh như thế. Đơn giản là tôi lo cô sẽ bị đau dạ dày nếu nhịn đói lâu – Francis nhún vai – Hay là cô ăn tạm một quả táo nhé?
Gã thọc tay vào túi áo, lấy ra một quả táo to tướng, lớp vỏ xanh nhạt căng mọng, nó còn mờ bụi phấn. Có lẽ Francis nhặt được nó trong rừng. Hơi ấm của mùa hè còn sót lại trong hương táo thơm ngọt ngào và vệt đỏ hồng ửng trên làn da mỏng . Tôi cầm quả táo, chùi nhẹ lớp phấn vào tay áo jacket. Sau đó, tôi đưa lên miệng, ngoặm một miếng to. Rồi miếng nữa. Thêm miếng nữa.
– Ngon không .?- Francis mở to mắt hỏi .
– Cám ơn. Không tệ lắm. Làm sao có thể vừa chạy, anh vừa nhặt được quả táo rụng nhỉ? -Tôi hỏi, không thèm che giấu vẻ châm biếm .
– Tôi không nhặt. Mà tôi lén ông bảo vệ rừng, trèo lên cây, hái quả táo cuối cùng còn sót lại. Mạo hiểm như thế để làm gì thì cô biết rồi đấy! – Nụ cười rạng rỡ gương mặt khiến gã giống hệt một chú nhóc hào hứng.
Miếng táo cuối cùng mắc nghẹn trong cổ tôi.Tất nhiên tôi chẳng trẻ con đến mức khóc òa lên. Cảm xúc xấu cần được kiềm chế. Nói lời tạm biệt, tôi quay lưng bỏ về phía cầu thang. Bỗng có tiếng Francis gọi giật sau lưng:
– An, ban nãy tôi hôn rất lâu lên quả táo. Cô đã nhận thêm nụ hôn của tôi.
Bây giờ tôi phát điên được rồi đây. Như một cơn lốc, tôi chạy thốc lên những bậc thang, đâm sầm vào các đồng môn ngái ngủ. Một người quét dọn đang đẩy máy hút bụi hoảng hốt kêu ầm lên, nép sát vào tường. Tôi chỉ kịp lao vô phòng, nằm vật ra giường. Tôi có lỗi gì? Tại sao cái gã Francis kia thích chơi khăm tôi, hết lần này sang lần khác đẩy tôi lâm vào các tình thế kì quái.
Sáu …
Tháng chín. Có những ngày trời âm u. Không khí yên ắng rộn lên khi các nhóm sinh viên mới, trong các bộ cánh sặc sỡ, bước như chạy dọc theo lối đi trải sỏi. Tiếng cười, giọng nói đa âm sắc của họ tạo nên một lớp màng mỏng tươi tắn, vương vất đây đó, xóa mờ cảm giác ảm đạm. Tôi đến văn phòng, đăng ký thêm một vài phần học mới bên ngành thiết kế quảng cáo. Trong khi đồng môn tụ tập trò chuyện ngoài hiên, tôi suy nghĩ về ngày tháng phía trước, về những điều đã đi qua, về những thứ tôi đã làm mất trong đời. Kể ra suy nghĩ lung tung vào một ngày thế này cũng chẳng hay ho gì. Nhưng còn hơn rơi vào trạng thái nặng nề của những nếp nghĩ thờ ơ buồn chán. Khoảng 10 giờ sáng, mặt trời lên cao, đợt mưa bụi cũng đã dứt hẳn, tôi đi bộ ra ngoài khuôn viên học viện, đón xa bus sang trường Huy đang theo học .
Ở xe bus nhảy xuống, tôi hòa vào đám đông các sinh viên mỹ thuật. Họ đượm vẻ kỳ dị khác thường. Những cô gái gầy gò, tóc đen nhưng mắt xanh, đứng rải rác hút thuốc. Các anh chàng tóc dài, quần áo phóng túng, ngả lưng trên băng ghế, sưởi nắng.Theo bảng chỉ dẫn, tôi rảo nhanh về khi vực các studio nghệ thuật thị giác. Một người từ phía sau đi vượt lên. Đột nhiên, anh ta ngoảnh lại, nhìn thẳng vào mặt tôi, vội vã quay đi rất nhanh. Tôi giật mình. Người thanh niên trẻ có đôi mắt xám tro ẩm ướt, mái tóc xoăn nâu tôi từng gặp ở ngôi nhà lớn có thảm cỏ xanh rì. Nhận ra tôi, nhưng anh ta giả tảng xa lạ. Anh ta đi nhanh hơn về phía cái studio gỗ trắng có lắp những bức tường kính. Tôi tạt vào nép sau một gốc cây , đứng im . Có một lúc , người tóc nâu đó ngoảnh lại, đưa mắt kiếm tôi. Chừng như an tâm hơn, anh ta thong thả đi thẳng vào khu vực studio. Vẫn nép sau gốc cây, tôi tháo áo jacket, nhét vào balo, sau đó vén tóc, đội trùm lên đầu cái mũ beret nhỏ. Giờ đây tôi giống như một chú nhóc. Băng ngang qua bãi cỏ , tôi đánh đường vòng , đi vào studio bằng cửa phụ phía sau.
Tôi xuyên qua các phòng trưng bày. Một vài sinh viên năm cuối loay hoay với tác phẩm. Tiếng loạt xoạt của máy thử nhạc, Tiếng cười rầm rĩ. Một ai đó đập mạnh các bìa báo, tạo nên chuỗi âm thanh chói tai, đầy đe dọa. Gian phòng cuối cùng cửa khép hờ. Tôi đứng trước cửa, tim đập mạnh. Sự yên tĩnh đặc quánh như mật ong. Bằng trực giác sáng rõ, tôi biết, trong đó có Huy. Tôi đấy cánh cửa êm ru. Giữa phòng, có một tác phẩm sắp đặt. 12 ô vuông – 12 màn hình nhỏ – xếp trên một ụ đất xốp vun hình tháp. Các màn hình đang chiếu chuyển đọng của những cây mưa. Vòm lá xanh. Bầu trời xanh. Các hạt nước rơi xuống vỉa hè cũng ánh lên màu biếc xanh nhiệt đới. Ngay sau ụ đất là Huy. Cậu không ở một mình. Nguời thanh niên mắt xám tro khoác vai Huy, gần gũi và thân thiết. Họ đang nhìn nhau. Một nụ hôn từ người thanh niên đặt lên trán cậu ấy. Máu tôi đông cứng. Tay chân rôi là những thanh nhôm băng giá. Không gào thét. Không trượt ngã. Tôi quay lưng. Tôi chạy. Tiếng thét gọi tên tôi đuổi theo phía sau. Tiếng Huy nức nở. Tiếng va đập của các tờ bìa bị khuếch âm, méo mó. Tôi lao đi, như một mũi tên đã bắn ra khỏi cung .
Bảy…
Một tuần liền, tôi nằm vùi. Không đụng vào bài vở. Không gặp bất kì ai. Chiều tối, vài bạn học ghé qua, cho tôi ít thức ăn khô hay hộp sữa lấy từ nhà ăn. Sự thờ ơ của bạn bè khiến tôi dễ chịu. Những ỹ nghĩ gấp khúc trong đầu tôi. Đến tận cùng, có sự thật nào không phơi bày dưới ánh sáng. Nhưng tại sao lại là Huy, người bạn tôi đã thương yêu suốt bao nhiêu năm qua? Tôi xâu chuỗi sự kiện xưa cũ. Lớp vỏ mơ hồ bóc đi. Như trò chơi ghép hình, các mảnh bí ẩn khó hiểu giờ đây đã được đặt vào đúng vị trí. Bài toán đơn giản. Nhưng tôi đã giải sai. Ý nghĩ Huy che giấu mọi thứ, ung dung đi theo con đường riêng cậu ấy chọn, bỏ mặc tôi trong các ảo tưởng ngu ngốc là tôi cay đắng. Càng nghĩ, tôi càng thấy cô đơn nhiều hơn .
Đôi khi, điện thoại reo. Francis phỏng đoán tôi ốm sắp chết. Tôi gác máy, chẳng buồn đôi co. Một buổi chiều, người quét dọn yêu cầu tôi ra ngoài để họ dọn phòng. Dưới bãi cỏ, trên băng ghế sơn màu da cam, Francis ngồi đấy từ bao giờ. Gã gỡ ra đôi kính râm to tướng. Ánh mắt gã nhìn tôi chăm chú và buồn bã : “Cho tôi xin lỗi!”
Tôi vòng tay trước ngực, hờ hững :” Xin lỗi gì chứ?”
– Tôi biết sự thật về Huy Phạm. Hơn hai năm trước, khi mới sang đây, chúng tôi học khóa tiếng Anh cùng nhau. Tôi vẫn tin tưởng cậu ấy công khai tình trạng thật. Vì thế, tôi sửng sốt khi cô bảo 2 người yêu nhau. Hôm cô sang đây, cậu ấy gọi điện nhờ tôi ra sân bay đón .”
Tôi thì thào: “Anh còn biết gì nữa về Huy? “
Lưỡng lự giây lát, Francis nói nhanh : “Cậu ấy và Anh bạn Andy sống cùng nhau đã gần một năm. Chuyện ấy đâu cần giấu diếm. Thiên hướng tự nhiên của mỗi người. Và chúng ta tôn trọng lựa chọn của họ. Đúng không ?”
Giờ thì tôi đã biết lý do một năm trước Huy đã gửi tín hiệu cầu cứu. Lúc ấy, hẳn cậu ta chưa tin chắc vào quyết định của mình .
Tôi im lặng, Những điều Francis vừa nói chậm rãi thấm vào tôi, bẻ ngoặt ý nghĩ trong tôi sang hướng khác. Hồi lâu, tôi lên tiếng : “Tôi phải làm gì bây giờ?”
– Nếu là cô, tôi chấp nhận sự thật. Sau đó, bắt đầu kế hoạch khác, tốt hơn, cho bản thân.”
Những hạt nước mắt rơi xuống đầu gối. Đã lâu lắm rồi tôi mới khóc.
Nước mắt chẳng tích sự gì. Nhưng, lúc này nó khiến tôi nhẹ nhõm hơn.
Francis khoác vai tôi : “Tôi hết khăn giấy rồi. Cô thích chùi mũi vào tay áo tôi không?”
Tám…
Sáng chủ nhật. Tôi ôm laptop xuống phòng internet, kết nối vào mạng. Email của Huy. Cậu gửi cho tôi ảnh chụp tác phẩm vision art mang tên 12 cây mưa. Ụ đất xốp nâu vươn cao. Các màn hình sáng rực. Những mẩu ký ức ấu thơ của chúng tôi giờ đây in vào tác phẩm của cậu, đẹp đẽ, chứa đầy liên tưởng rộng khắp. Tôi đọc thư Huy. Cậu kể hết. Những sợ hãi, muồn phiền. Cảm giác có lỗi. Sự lẩn tránh nặng nề … Tôi đọc đi đọc lại Email. Mỗi lần đọc, dường như tôi nhìn thấy cậu ấy gần hơn, thật hơn. Tôi muốn viết thật dài. Thế rồi tôi chỉ gõ được vỏn vẹn vài dòng : Cậu là bạn của mình, Huy ạ. Bạn thân nhất. Mình đã luôn yêu quý những gì cậu làm. Giờ đây, mình tin vào điều cậu đã lựa chọn. Lúc nào mình cũng mong thời gian của chúng ta đi qua không uổng phí. Mình vui vì cậu sống thật. Mình mong cậu được hạnh phúc.
Cất laptop vào tủ riêng, tôi định dùng phần còn lại của sáng chủ nhật đi dạo xuyên khu rừng nhỏ. Chừng nửa tiếng, tôi đã qua bên kia cánh rừng. Hiện ra con đường rộng với những chiếc xe phóng vun vút. Mùi cafe đậm đặc. Tôi thấy một quán nhỏ. Francis đứng sau quầy, cạnh những máy pha cafe. Câu lạc bộ của các designer mà gã từng nhắc đến. Nhận ra tôi, Francis im sững. Cốc cappuccino đang rót lênh láng chảy mãi trên mặt poster.
Lối đi phủ lớp lá mỏng. Những chiếc lá đầu tiên của mùa thu đã rơi xuống. Một lần gió ào đến, cánh rừng xao đông như vừa có một bầy thú nhỏ băng qua. Francis và tôi đi chậm rãi trên con đường trong rừng. Im lặng. Rồi chúng tôi đứng cạnh một gốc cây lớn. Mùi cành cây ướt. Hơi lạnh lẩn khuất trong các vòm lá thưa. Francis lên tiếng : “Cây táo đấy!”
– Chẳng còn quả nào cả !
-Ừ. Anh đồng ý. Nhưng mùi táo mùa hè An còn nhớ không?
Tôi gật nhẹ. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây. Francis rót cafe mang theo ra nắp phích nhỏ. Tia mắt nâu và sự gần gũi ấm áp. Hương vị cafe không thể nhầm lẫn của mùa thu đang đến. Thật lạ lùng khi trái tim chớm yêu, không ngừng hát khẽ rằng còn bao điều tốt lành đang chờ ở phía trước ……
– goiyeu.net –