Đỗ Thanh Hà
Bắt đầu từ mùa thu 2009, không ít người dân Việt sẽ ngậm ngùi trong suy tưởng tiếc nhớ về ánh lửa lung linh của những chiếc đèn trời trong không gian khoáng đạt của trời đêm! Kể từ ngày 15/9/2009, Lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời trong phạm vi cả nước của Thủ tướng Chính phủ . sẽ có hiệu lực thi hành. Và như vậy, chúng ta sẽ nói lời chia tay với một nét văn hoá truyền thống đã gắn bó lâu đời với người dân trong các dịp Lễ, Tết, hội hè.
Đèn trời còn được người Đông Á gọi là Thiên đăng. Phong tục đốt đèn trời bắt nguồn từ ước vọng của con người mong cho cuộc sống trường tồn, từ khát khao muốn được giao hoà với thiên nhiên trời đất của người xưa. Người thả đèn trời sẽ gửi theo ánh lửa những lời chúc an lành, lời cầu may cho người thân và gia đình của họ. Trẻ nhỏ thả đèn trời cho những ước mơ học hành khám phá, thanh niên thả đèn trời với lời nguyện tình yêu lứa đôi tươi đẹp và sự nghiệp đạt thành, người già thả đèn trời với sự chiêm nghiệm về đời sống rộng lớn bao la. Tất cả đều gửi đi ước vọng tự do, an hoà qua ánh lửa lung linh, kỳ diệu của đèn trời. Theo quan niệm của mọi người, đèn trời càng lên cao, càng bay xa thì những mong muốn của họ càng có nhiều cơ hội thành sự thật. Đèn trời trở thành biểu tượng thiêng liêng làm cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh cao cả. Mỗi độ thu về, trong lễ Vu lan Rằm tháng bảy hay Rằm tháng tám, người dân thả đèn trời trong đêm trăng sáng nhất với mong ước các vị Thánh thần sẽ soi rõ cho những ước vọng họ đã gửi theo. Trong không gian rộng lớn của trời đêm, hàng nghìn chiếc đèn nối nhau sáng lung linh. Dưới mặt đất, niềm hi vọng về hoà bình no ấm đã nhen nhóm lên trong tâm tưởng mọi người. Thi đốt Đèn trời trong ngày Tết, ngày lễ còn có hàm ý tâm linh xua đuổi bóng đêm và ma quỷ. Người ta quan niệm rằng người thắng trong cuộc thi sẽ được may mắn cả năm. Không chỉ có ý nghĩa trong đêm thả đèn trời mà quá trình chuẩn bị trước đó cũng mang lại sự vui vẻ đầm ấm trong không khí sinh hoạt cộng đồng. Đèn trời đã tồn tại với hình thức như một trò chơi dân gian, một phương tiện sử dụng trong tín ngưỡng thờ cúng, một thú chơi ý nghĩa của thanh niên thời hiện đại… Trẻ con không thể không reo vui khi thấy ánh đèn trời kỳ ảo xuất hiện, người lớn hài lòng trông đợi theo ánh đèn đem lại may mắn cho đời sống và công việc của họ.
Mang theo ý nghĩa tâm linh sâu sắc và đem lại nét đẹp lung linh cho những đêm hội làng, lễ hội, giao thừa… tục đốt đèn trời đã dần trở nên phổ biến trên khắp miền đất nước, từ Bắc tới Nam. Đã từ lâu, người dân Hà Nội quen với việc mỗi dịp Lễ, Tết đều thả đèn trời trong khuôn viên sân vận động Mỹ Đình – nơi có không gian rộng rãi hiếm hoi ở Hà Nội để mọi người có thể tập trung. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp và ý nghĩa lớn lao của đèn trời vẫn ẩn chứa những nguy cơ gây hại với con người. Đèn trời là một trò chơi với Lửa và luôn tiềm ẩn khả năng cháy nổ khó có thể kiểm soát được. Trong tình hình mạng lưới đường dây điện lộ thiên ở thành phố dày đặc, những công trình điện áp san sát trong đô thị, đèn trời quả nhiên là mối hoạ khôn lường ! Từ dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu tới nay, những ngọn đèn trời lơ lửng trong thành phố Hà Nội đã gây ra nhiều vụ cháy mạng lưới điện, sở sản xuất…Trong đêm giao thừa Tết Kỷ Sửu, đèn trời đã gây nên vụ chập, cháy đường dây của trạm biến áp làm mất điện trên diện rộng tại địa bàn quận Thanh Xuân, hay cháy xưởng sản xuất tăm tre ở Ứng Hòa, cháy cáp viễn thông ngay Bờ Hồ… Chính vì vậy, đèn trời được xếp cùng với pháo nổ về khả năng gây hại và Chính Phủ đã ban hành Lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ,mua bán, sử dụng. Chúng ta sẽ không còn thấy nữa ánh lửa đèn trời trong ngày Rằm Trung Thu sắp tới, giống như những năm về trước không còn nghe âm thanh giòn giã âm vang tiếng pháo đón năm mới. Người dân đã quen với những ngày Tết lặng im không tiếng pháo, và rồi họ sẽ quen với bầu trời đêm ngày Lễ không còn ánh lửa đèn trời. Hậu quả gây hại từ chúng rõ ràng sẽ giảm thiểu hơn nhưng không có nghĩa là không còn những vụ cháy nổ điện thế nguy hiểm do tàn lửa gây ra.Trong khả năng có thể cắt giảm nguy cơ thiệt hại, chủ trương trước mắt đã được Chính phủ ban hành. Việc ban hành Quyết định này có dựa trên sự lắng nghe dư luận trong nhân dân và nghiên cứu thực tiễn văn hoá xã hội của các nhà khoa học? Những vụ cháy nổ do tàn lửa của đèn trời gây ra hiện tại xảy ra phần lớn trong địa bàn đô thị, chủ yếu ở Hà Nội, còn ở các vùng nông thôn – nơi mà đèn trời là nguồn vui không gì thay thế được của người dân quê. Trong khi các giá trị văn hoá dân gian đang dần mai một thì Lệnh cấm đốt đèn trời của Chính phủ trong phạm vi cả nước đã như một thử thách nữa đối với nền văn hoá dân gian cổ truyền đang bị biến đổi bởi các yếu tố văn hoá ngoại lai xâm thực.
Thiết nghĩ, một chủ trương đúng đắn luôn cần có những giải pháp đồng bộ. Sau khi lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng đèn trời chính thức có hiệu lực thì số phận những làng nghề truyền thống sản xuất đèn trời sẽ về đâu? Các hộ sản xuất kinh doanh đèn trời hiện nay tập trung trong các làng nghề thủ công truyền thống ở Vĩnh Bảo – Hải Phòng, xóm Đìa – Thanh Oai – Hà Nội, Đông Hưng – Thái Bình … Họ sẽ ra sao khi chiếc đèn trời gắn bó từ bao đời ông cha bỗng nhiên không còn tồn tại? Sự khéo léo, tài hoa của người thợ tạo nên đèn trời kỳ thú từ manh giấy mỏng, chiếc vòng tre cũng sẽ không còn nữa. Chiếc đèn trời giàu ý nghĩa đã gắn bó với đời sống người dân Việt sẽ còn trên những trang giấy sử. Ngày Tết, Lễ, vẫn là anh đèn lung linh trang hoàng cho đêm hội nhưng sẽ là ánh đèn điện nhiều màu. Ước mơ của mọi người sẽ làm sao để gửi gắm lên trời cao rộng?
– goiyeu.net –