Anh vĩnh viễn không tha thứ cho em

Trần Tiểu Xuân | Lê Vũ dịch –

Dư Thiếu Hoa là một nhà thơ trẻ , rất nổi tiếng của thi đàn Trung quốc. Năm 1990 anh đã là hội viên hội nhà văn Tứ Xuyên.

Năm 1996 Anh trở thành hội viên chính thức của hội Nhà Văn Trung Quốc. Anh có gần hai trăm tác phẩm đăng trên khắp cả nước, nhiều nhất là trên tạp chí Tinh Tú và Thi San.

Là một trong những nhà thơ tài ba hứa hẹn nhất thập niên 90 của Trung quốc.

Nhưng bất hạnh thay, nhà thơ, nghèo đói và bi kịch thường là đi chung một con đường.

Trước cuộc bội tình của ái thê Trần Tiểu Xuân, nhà thơ đã rạch cổ tay tự sát tại thư phòng để lại cho người vợ trẻ biết bao búa rìu của dư luận.

Lời bộc bạch đẫm nước mắt của Tiểu Xuân sau đây, người dịch rất tiếc không thể tinh chắt hết được những xót xa, những đớn đau của một bước chân lầm lạc. . .

….

I. Tình yêu Thi ca.

Khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 1988, tôi theo học tại trường Sư phạm Tứ xuyên, đây là thời kỳ, không những chỉ ở trường của tôi mà hầu như trên khắp nước, dấy lên phong trào thi ca rầm rộ.

Mùa xuân năm ấy, trong một buổi tham dự hội thơ về nhà thơ nổi danh Ðỗ Phủ. Tôi đã quen với Dư Thiếu Hoa.

Lúc đầu tôi và anh chỉ thường bàn luận với nhau về thi ca mà thôi, nhưng dần dần, chúng tôi yêu nhau. Tôi yêu Hoa vì từ trong anh toát ra nét chính khí.

Từ trong anh hừng hực một niềm say mê, và anh như tiềm ẩn cả một kho tàng ngôn ngữ hết sức sâu sắc, độc đáo. Con người anh như đáp ứng đúng những ước mơ của tôi từ khi bắt đầu trưởng thành:

Tôi vẫn từng ước mơ được làm vợ của một nhà thơ nổi tiếng.

Có một hôm Thiếu Hoa hớn hở báo tin cho tôi:

– Nhóm thơ của chúng ta sắp có thể ra một tờ báo rồi. Anh dự định lấy tên là Báo Thơ! Em có thích không?

Tôi run lên vì sung sướng. Lúc bấy giờ, có một tờ báo trong tay là rất quý. Nhưng tôi băn khoăn:

– Anh ơi, in báo, phát hành báo thì được rồi, nhưng tiền đâu mà in?
Như đã có dự định từ lâu, Dư Thiếu Hoa nói với một giọng quả quyết:
– Chúng ta bán máu!
Mọi người hưởng ứng, kẻ vỗ tay reo, kẻ làm động tác như muốn sắn cánh tay áo lên cho máu ngay.

Nằm trên một cái cáng, nằm song song với anh trong một trạm máu.

Tôi nhìn những giọt máu đỏ ói của mình và của anh chầm chậm chảy ra khỏi cơ thể.
Lòng tôi tự nhiên mang một cảm giác hết sức tự hào.
Thật vĩ đại, nhưng cũng thật là bi tráng!
Tôi lại nhìn anh, mặt anh hơi tái, nhưng trong đôi con mắt của anh có một cái gì như siêu thoát,
như kiên định. “ Anh ấy sẽ là một nhà thơ nổi tiếng” Tôi tự hào nghĩ như vậy.

Báo phát hành, nhưng không thấy có thơ của tôi, không có thơ của Dương Thi Vũ ( Tôi, anh, và Vũ là bạn thân với nhau). Thấy tôi có vẻ buồn. Anh nói:
– Thơ của em và của Dương Thi Vũ, anh nói thật, đừng buồn. Ðăng trong báo tường thì được, nhưng nếu đăng báo phát hành đi xa, thì chưa đủ tiêu chuẩn đâu!
Tôi không buồn, tôi lại càng cảm phục nhân cách, tính vô tư chân chính trong con người của anh. Chỉ có Dương Thi Vũ thì buồn ra mặt, anh trầm hẳn xuống, những cuộc đi chơi, thường có đủ bộ ba, nay không còn có nữa.

Rồi một hôm, Dương Thi Vũ hớn hở cầm một quyển tạp chí đến tôi, anh hớn hở ra chiều tâm đắc:

– Thơ của tôi đã được đăng rồi đây này. Nhìn này Tiểu Xuân, cô không thấy từ cách trình bày cho đến trình độ trong nội dung của tờ báo, hơn hẳn tờ báo của chúng ta hay sao?
Giọng anh có ý gì khang khác. Tôi bèn nói:
– Chưa chắc đâu, anh Vũ à.
Tối hôm ấy anh uống rượu rất nhiều, trong lúc quá say anh nói lè nhè:
– Tội nghiệp Tiểu Xuân, tôi yêu em. . . Tôi bỏ tiền ra in thơ, cũng vì tôi yêu em.
Khóa học của chúng tôi chấm dứt, chấm dứt luôn phong trào thơ , chấm dứt luôn những cuộc bình thơ. Và với riêng tôi, chấm dứt nàng thơ của tôi.

II
Tôi và Dư Thiếu Hoa được phân về dạy học ở cùng một trường trung học. Còn Dương Thi Vũ, không biết bằng cách nào được điều về một ngành kinh tế đối ngoại.

Ðêm tiễn biệt trước khi rời ghế nhà trường. Tôi và Dư Thiếu Hoa ngồi với nhau ở ngoài sân, chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời để đếm sao, xem ai đếm được nhiều.

Bỗng nhiên Hoa cầm tay tôi. Anh để tay tôi lên ngực anh rồi nói:

– Em có bằng lòng làm vợ anh không?
Tôi gật đầu, thế là chúng tôi thành hôn.

Cưới nhau không được bao lâu, tôi bận bịu suốt ngày trong việc áo cơm, soạn bài.

Có khi tôi còn phải soạn bài và chấm điểm cho cả Hoa nữa.
Còn Hoa càng ngày anh càng chìm đắm trong cái thế giới mộng mơ đầy thi ca của anh, anh bỏ ăn, bỏ ngủ, anh có thể không cạo râu, không soi gương cả một tuần, nhưng một ngày anh không thể không làm một bài thơ.
Anh thường ngồi buồn rầu than vãn cho “ Ngày mai của thơ”. Cái ngày mai mà theo ý anh, có thể như con đường xuống dốc.
Những lúc như thế, tôi ngồi xuống bên anh, làm như tôi cũng đang cùng anh chìm đắm trong những dòng suối thơ đang chảy trong huyết quản. Có lúc nhìn gương mặt như mất hồn, như nhập thần của anh,

Tôi vừa thương anh, vừa mệt mỏi . Càng về sau, cái cảm giác ấy biến thành một nỗi đau khổ.

Có hôm, Hoa hỏi tôi:
– Từ lâu không thấy em làm thơ ? Những hôm đang cùng nhau ngồi nghe nhạc giao hưởng, anh thấy em vùng xuống bếp là làm sao?

Tôi không kịp trả lời thì giọng nói của anh như đanh lại:

– Sao cô lại có thể rẻ rúng nghệ thuật đến thế nhỉ?
Thấy tôi lúi húi nhặt rau, làm cá, anh như muốn gầm lên:

– Cô xem kìa, bàn tay của cô để làm những công việc tao nhã, chứ đâu phải làm những việc vặt vãnh như thế.

Tôi đã tính cãi lại anh: “ Nếu tôi không làm, thì bữa cơm sẽ như thế nào”. Nhưng tôi lại im lặng.
Rồi anh nói như ra lệnh:
– Cô đi học dương cầm đi !
Tôi nói như muốn khóc:
– Em đâu có còn trẻ để đi học cái này hay cái khác nữa chứ.
Thiếu Hoa nghiêm nghị:
– Cô biết không, vợ anh phải là một nữ tao nhân mặc khách mới được!

Thấy anh có vẻ buồn. Tôi ghi tên đi học một khóa dương cầm, tiền học cho một khóa như thế nó lấy hết tháng lương của tôi.

Những người chung lớp dương cầm, họ đều ăn diện theo mốt thời thượng, đa số có xe hơi đưa đón.

Còn tôi, với cái xe đạp cọc cạch, tôi đến lớp trong cái nhìn khinh thường của những người đồng học.

Một hôm, Thiếu Hoa đứng đợi tôi ở cửa lớp, anh đi với tôi ra ngoài chỗ gửi xe, anh nói:
– Em có biết hôm nay là ngày gì không?
Không để tôi trả lời anh nói ngay:
– Hôm nay là kỷ niệm ngày thành hôn của chúng ta đấy!
Tôi đang lúng túng, vì chính tôi đã quên mất cái ngày đáng nhớ ấy, thì anh cầm lấy tay tôi, trìu mến đeo vào ngón tay tôi một cái nhẫn vàng. Tôi cảm động muốn khóc. Tôi hỏi:
– Tiền đâu mà anh mua cho em vật đắt tiền như thế?
Anh không nhìn tôi. Giọng anh lạc đi:
– Anh bán máu.
Tôi lại bật khóc. Ôm lấy anh.

Thơ của Dư Thiếu Hoa đã bắt đầu đăng đầy trên các tạp chí và các báo ở khắp nước,
nhưng nhuận bút thì rất ít ỏi, thậm chí không đủ tiền để anh hút thuốc nữa, anh luôn luôn tin tưởng vào Hội Nhà Văn Trung Quốc sẽ giúp anh xuất bản một tập thơ của riêng anh.
Nhưng anh đã bị từ chối.

Hôm nhận được tin ấy, anh về đến nhà nằm bất động rồi thở dài. Tôi đến bên an ủi anh. Bỗng anh bật dậy, khí phách thời thanh niên của anh bật ra câu nói:
– Anh sẽ bán máu nữa, bán máu, lấy tiền bán máu để in thơ !
Nước mắt tôi chảy ròng ròng, tôi tháo chiếc nhẫn ra, nói như van lơn:
– Anh yếu lắm rồi, có chiếc nhẫn anh cho em, có thể giúp được một phần.

Nhưng anh không chịu. Sau đó, anh đã đi bán máu, lần thứ ba, rồi lần thứ tư, nhưng tiền bán máu ấy, không đủ chi phí cho việc xin giấy phép xuất bản. Tiền đâu mà in thi phẩm chứ.
Thiếu Hoa gày rạc hẳn đi. Tôi như đang đi vào nỗi tuyệt vọng của người vợ thương chồng nhưng hoàn toàn bất lực.
Có nhiều lúc, tôi cảm thấy tôi không còn muốn sống nữa.
Sau cùng, suy nghĩ mãi.
Tôi tìm đến Dương Thi Vũ. Vũ đang làm Phó giám đốc cho một công ty của bộ Ngoại thương. Vũ nhìn tôi.

Trong cái nhìn ấy, tôi thấy có cái vẻ như xót xa, có ánh mắt như dè bĩu, như cảm thông, như có cả nét âu yếm nữa.

Cuối cùng anh cầm lấy tay tôi. Vũ nói:
– Tôi phải giúp các bạn mới được, thi tập của Thiếu Hoa sẽ được ra mắt. Tôi sẽ tài trợ.
Tôi để yên tay mình trong tay Vũ

Trên đường về tôi vừa mừng vừa tủi thân.
Thiếu Hoa vẫn sống như đang sống ở trên chín từng mây, anh có cái khách khí rất thi nhân, khi bạn bè than phiền, thảo luận với anh về cách sống cho hợp với đời thường đầy khó khăn, thì anh lại đọc câu thơ của Kenzaburo: “ Cao thượng là mộ chí của người cao thượng, ti tiện là tấm giấy thông hành cho kẻ ti tiện”. Khi nghe bạn bè bàn nhau làm sao kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương. Anh lại khẳng khái lên tiếng:
– Tôi sẽ mãi mãi giữ vũng sự thanh bần cao thượng của tôi, chứ không thể đi cân đong nhân cách cho những lợi lộc nhỏ nhoi.

III.
Chúng tôi lấy nhau đã hơn bốn năm, vẫn chưa có cháu bế. Nhiều lần, tôi nói lên nỗi khao khát muốn có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ cho cuộc sống bớt tẻ nhạt, bớt căng thẳng, thì anh gạt phăng đi. Anh nói:
– Anh không muốn một đứa bé ra đời trong một xã hội như thế này: Mỗi khoảnh khắc, cái thế giới này đều giăng đầy tai họa.
Rồi anh nhìn khắp nhà giọng buồn bã:
– Nhìn cái nhà của mình, không có lấy một vật gì đáng giá cả, cái TV 21’’ phải dành cả năm trời mới mua được, chúng ta lại chẳng có lấy một đồng dư dật. Một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh như thế sao.!

Chúng tôi có ý định chờ, phải chờ xem tình hình kinh tế có gì biến chuyển chăng? Thấy vô vọng, lại thấy mình đã đứng tuổi
Dư Thiếu Hoa muốn có con. Lúc này thì tôi lại không chịu. Tôi nói trong làn nước mắt:
– Em nhất định phải tìm cách thay đổi cuộc sống kinh tế của chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này mãi được nữa. Trước mắt, em không muốn có con!
Dư Thiếu Hoa nói:
– Tiền bạc sẽ giết chết chất thơ em ạ.
Tôi gay gắt:
– Mình nghèo quá rồi, em không cần thơ thiếc gì nữa.

Tôi quyết định xin nghỉ dạy học để đi làm thuê cho một tập đoàn của công ty Thành Công.
Ðó là vào tháng 6 năm 1995.

Dương Thi Vũ gọi điện thoại mời tôi đi ăn cơm trưa. Anh đã mở một công ty riêng, một công ty kinh doanh tầu biển. Trưa hôm ấy, hai chúng tôi ăn lẩu, vừa ăn dưa hấu. Cổ tôi nghèn nghẹn khi nghĩ đến giờ phút này, Dư Thiếu Hoa đang phải ăn mì gói ở nhà.
Dương Thi Vũ ngừng ăn nhìn tôi, giọng anh như một ông thày giáo dạy học trò:
– Tiểu Xuân nên nhớ, bây giờ em không còn là cô giáo nữa mà là một thương nhân, một thương nhân thì phải vững chí thẳng tiến, không được do dự nhụt chí..

Tôi biết Vũ đang muốn truyền cho tôi kinh nghiệm làm ăn của anh.
Mùa xuân năm 1996.
Tôi đã tặng cho chồng tôi một món quà làm anh vô cùng xúc động: Giấy phép đầu sách của nhà xuất bản!

Dư Thiếu Hoa đã bật khóc như một đứa trẻ. Lần đầu tôi thấy anh khóc trước mặt tôi như thế. Anh viết cảm giác ấy trong câu thơ:
Tôi cùng tảng đá
Giữ vững thơ chân chính
Tôi cùng người vợ
Giữ chắc lấy tình yêu cuối cùng.

Tết năm ấy, tập thơ của Dư Thiếu Hoa ra đời, mặc dầu cho đến bây giờ thi tập của anh vẫn còn chất đống cả hàng trăm cuốn trong nhà, nhưng anh đã nổi tiếng và trở thành hội viên Hội Nhà Văn Trung quốc.

Nhân lúc chồng tôi đang phấn khởi. Tôi rụt rè đề nghị:
– Thiếu Hoa ơi, với tài năng và tiếng tăm của anh bây giờ, nếu anh chịu kinh doanh như em, anh sẽ thành đạt hơn em nhiều.
Chồng tôi lắc đầu:
– Thi ca sinh ra anh và anh lớn lên bằng thi ca. Mỗi người có một chí hướng, đừng gượng ép nhau làm gì em ạ!
Tôi đã ôm chầm lấy anh, chúng tôi hôn nhau đằm thắm. Chúng tôi mặc nhiên phân định: Một người kinh doanh kiếm tiền, một người cứ làm thơ. Cuộc sống vợ chồng chúng tôi trở về không khí lãng mạn như từ ngày còn yêu nhau. Cả căn nhà như bừng lên sức sống.

Tháng Ba năm 1998 Tôi được thăng lên chức Trưởng phòng Kinh Doanh.

Tôi điện thoại báo tin cho Dương Thi Vũ, chúng tôi đã trao đổi với nhau suốt buổi chiều hôm đó về việc làm ăn,
chúng tôi có vẻ ăn ý về cách thức để có thể thành công trong doanh nghiệp. Khi chia tay. Vũ nói:
– Có một việc muốn nhờ Tiểu Xuân, không biết em có thể giúp cho anh được không?
Tôi nói:
– Ðã là bạn, đừng khách khí.
Vũ nói:
– Ngày mai anh phải đi Vũ Hán bằng tầu thủy, ở đó anh có một vài cuộc đàm phán hóc búa, anh muốn mời em đi cùng, để giúp cho anh một tay”

Hai tuần sau, chúng tôi rời Vũ Hán lại cũng bằng tầu thủy.

Dọc đường, cảnh non xanh núi biếc, thiên nhiên tươi thắm làm lòng tôi thấy lâng lâng.

Có những lúc nhìn sông nước tôi tự hỏi:
– Ở nhà giờ này, Thiếu Hoa của tôi đang làm gì nhỉ?

Dương Thi Vũ xuất hiện bên kia mạn tầu, mắt anh xa xôi, thăm thẳm, nhưng đầy cương nghị, toàn thân anh toát ra một vẻ đẹp đàn ông quyến rũ và lôi cuốn.

Tôi không còn nhớ anh đã bước đến tôi hay tôi bước lại anh. Chỉ còn nhớ chúng tôi như đi trong mơ. Chầm chậm đến bên nhau. Chầm chậm cầm tay nhau bước vào khoang buồng của anh. . .
Khi tỉnh giấc mơ. Mọi việc đã muộn quá rồi. Tôi khóc nức nở. Chỉ trong một khoảnh khắc đớn đau ấy, tôi đã phản bội chồng tôi.

Tại sao tôi lại làm như thế ? Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao giải thích nổi.
Nhưng rồi giấy không bọc được lửa. Sự thật ấy đã bị chồng tôi biết.

Dư Thiếu Hoa không thể nào chịu đựng nổi sự thật này.

Anh luôn luôn cho rằng, tình yêu của chúng tôi phải thánh thiện, trong sạch, không gợn một tí sợi nào.
Không thể nào bị hoen ố. Ôi, thế mà anh vẫn tưởng tôi sẽ cùng anh “ Giữ chắc lấy tình yêu cuối cùng” kia đấy!

Chồng tôi nhất định không tha thứ cho tôi, không phải vì sự sám hối của tôi không đủ chân thành, nhưng con tim anh đã vỡ tan rồi. Anh viết:

Mỗi khoảnh khắc trên thế gian này đều giăng tai họa.

Trên một nẻo tình yêu cuối cùng đầy rẫy hoang mang.

IV

Dư thiếu Hoa đã thật sự ngừng làm thơ. Chồng tôi đã dùng lưỡi dao rạch đứt mạch máu cổ tay mình. Anh để lại cho tôi một bức thư:

Tiểu Xuân.
Anh đi đây, anh không còn lý do gì để sống nữa, anh không còn dũng khí bước vào mùa xuân năm 1999 nữa.

Anh vĩnh viễn không tha thứ cho em.

Trước khi vĩnh biệt em, anh tặng em một bài thơ cuối cùng anh làm trong đời anh:
Thời buổi linh hồn đầy méo mó này
Làm sao ta có thể biết trước được hở em?
Máu đã nhiễm trùng. . .
. . . Nhà thơ đã chết
Tên tù binh vinh quang này. . .

Cái chết của chồng tôi làm tôi và Dương Thi Vũ mang một mối ám ảnh suốt đời.
Thi Vũ bàn với tôi xem lại các bản dư cảo của chồng tôi. Chúng tôi cho xuất bản quyển thơ thứ hai và cũng là tập thơ cuối cùng.

Mấy tháng sau, Dương Thi Vũ đem đến cho tôi xem một tập bản thảo. Anh nói với tôi:
– Tôi cố gắng thế nào cũng không viết hay bằng Thiếu Hoa được.
Vũ lấy trong hộp ra một cái nhẫn vàng đưa cho tôi và nói:

– Ðây cũng là cái nhẫn tôi mua từ hồi còn nghèo khó. Tôi cũng phải bán máu đi để mua nó.

Cuộc đời của tôi có hai điều mơ ước. Một là trở thành một nhà thơ. Hai là lấy được em làm vợ.

Nhưng cả hai đều thất bại! Cả hai đều là sự thành công của Dư Thiếu Hoa.
Nay Thiếu Hoa đi rồi. lương tâm của tôi mãi mãi sẽ không bao giờ yên được đâu.

Nếu không có tôi, anh ấy không phải chết. Cứ nghĩ đến anh ấy. Tôi vô cùng đau khổ. . .

Tôi yên lặng cho những dòng nước mắt cứ tuôn tràn. Tôi không biết tôi đang nghĩ gì,

nhưng tôi biết rất rõ một điều, tôi sẽ còn phải mang nỗi ngậm ngùi tủi hổ này cho đến thiên thu!

Không bao lâu Dương Thi Vũ rời Thành Ðô lên Phố Ðông, Thượng Hải. Trước lúc lên đường anh đã nói với tôi:

– Chúng ta hãy cất giữ tình cảm của mình! Chúng ta không thể bất kính với linh hồn Thiếu Hoa thêm nữa.

Tôi viết lời bộc bạch này, như một nén hương thắp cho chồng tôi.

Thiếu Hoa, anh ơi!

– goiyeu.net –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *